BẢO HIỂM TÀU THỦY NỘI ĐỊA

Các loại phương tiện thủy có đăng ký, đăng kiểm theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam hoạt động trên đường tàu thủy nội địa Việt Nam bao gồm:

  • Vỏ;
  • Máy tàu;
  • Các trang thiết bị hàng hải.

2. ĐIỀU KIỆN- ĐIỀU KHOẢN VÀ QUY TẮC BẢO HIỂM TÀU THỦY NỘI ĐỊA ÁP DỤNG

Khi nhận bảo hiểm cho tàu thủy nôi địa theo điều kiện bảo hiểm thuộc quy tắc bảo hiểm tàu thủy nội địa này, PJICO sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm đối với:

2.1. Điều kiện bảo hiểm A

PHẦN I: Tổn thất toàn bộ (thực tế hoặc ước tính) hay tổn thất bộ phận đối với thân tàu được bảo hiểm là hậu quả trực tiếp gây ra bởi những nguyên nhân sau:

a- Đâm va với tàu, thuyền, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước.

b- Đắm, mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi, trôi hoặc cố định, cầu, phà, đà, công trình đê, đập, kè, cầu cảng.

c- Cháy nổ ngay trên tàu hoặc cháy nổ ở nơi khác gây tổn thất cho tàu.

d- Vứt bỏ tài sản khỏi tàu trong trường hợp cần thiết và hợp lý nhằm hạn chế, giảm thiểu hoặc ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra đối với thân tàu được bảo hiểm.

e- Mất tích.

f- Động đất, sụt lở, núi lửa phun, mưa đá hay sét đánh.

g- Bão tố, sóng thần, gió lốc.

h- Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ, di chuyển hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu kể cả khi xếp dỡ sang tàu khác hoặc ngược lại hoặc khi tàu đang neo đậu, lên đà, sửa chữa ở xưởng.

i- Nổ nồi hơi, gẫy trục cơ, trục khuỷu hoặc hư hỏng do ẩn tỳ trong các bộ phận của vỏ tàu, máy tàu gây ra với điều kiện kiểm tra, giám định bình thường không thể phát hiện được

k- Sơ suất của thuyền trưởng, sỹ quan, thuyền viên, hoa tiêu hoặc người sửa chữa với điều kiện người sửa chữa không phải là Người được bảo hiểm.

PHẦN II: Những chi phí cần thiết và hợp lý trong việc:

a- Hạn chế tổn thất, trợ giúp hay cứu hộ, chi phí trục vớt hoặc chi phí tố tụng đã được PJICO đồng ý trước.

b- Kiểm tra, giám định hư hại, tổn thất thuộc trách nhiệm bảo hiểm.

c- Đóng góp chi phí tổn thất chung.

d- Kiểm tra đáy tàu sau khi mắc cạn kể cả trong trường hợp không phát hiện được tổn thất.

Áp dụng bổ sung điều khoản bồi thường có tính giảm trừ tỷ lệ khấu hao theo tuổi tàu đối với các vật tư, phụ tùng mới được mua thay thế khi tàu sửa chữa bộ phận thân tàu:

  • Đối với tàu dưới 5 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 0%
  • Đối với tàu từ 5 tuổi đến 10 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 10%.
  • Đối với tàu từ 11 tuổi đến 15 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 15%.
  • Đối với tàu từ 16 tuổi đến 20 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 20%.
  • Đối với tàu từ 21 tuổi đến 25 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 30%
  • Đối với tàu trên 25 tuổi : Tỷ lệ khấu hao 50%

2.2. Điều kiện bảo hiểm B

Khi nhận bảo hiểm tàu thủy nội địa theo điều kiện bảo hiểm này, bảo hiểm PJICO sẽ bồi thường cho Người được bảo hiểm tàu thủy nội địa đối với:

  1. Tổn thất toàn bộ (thực tế hoặc ước tính) đối với thân tàu được bảo hiểm là hậu quả trực tiếp do những nguyên nhân sau gây ra:

a- Đâm va với tàu, thuyền, máy bay, phương tiện vận chuyển trên bờ hoặc dưới nước.

b- Đắm, mắc cạn, đâm va vào đá, vật thể ngầm hoặc nổi, trôi hoặc cố định, cầu, phà, đà, công trình đê, đập, kè, cầu cảng.

c- Cháy nổ ngay trên tàu hoặc cháy nổ ở nơi khác gây tổn thất cho tàu.

d- Mất tích.

e- Động đất, sụt lở, núi lửa phun, mưa đá hay sét đánh.

f- Bão tố, sóng thần, gió lốc.

g- Tai nạn xảy ra trong lúc xếp dỡ, di chuyển hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu kể cả khi xếp dỡ sang tàu khác hoặc ngược lại hoặc khi tàu đang neo đậu, lên đà, sửa chữa ở xưởng.

h- Sơ suất của thuyền trưởng, sỹ quan, thuyền viên, hoa tiêu hoặc người sửa chữa với điều kiện người sửa chữa không phải là Người được bảo hiểm.

  1. Chi phí cứu hộ hoặc chi phí trục vớt là hậu quả trực tiếp do những nguyên nhân quy định tại điểm 1 nêu trên gây ra nhằm hạn chế, ngăn ngừa tổn thất toàn bộ xảy ra đối với tàu được bảo hiểm.
QUY TẮC BẢO HIỂM TÀU BIỂN NỘI ĐỊA

3. PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Sông, hồ, vịnh thuộc nội thủy Việt Nam và phù hợp với cấp tàu theo quy định đăng .

Đường thủy nội địa bao gồm các tuyến đường thủy có khả năng khai thác giao thông vận tải trên các sông, kênh, rạch, cửa sông, hồ, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, đường nối các đảo thuộc nội thủy nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

4. NHỮNG RỦI RO LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM TÀU THỦY NỘI ĐỊA

PJICO không chịu trách nhiệm bồi thường nếu tổn thất xảy ra có thể trực tiếp hoặc gián tiếp được quy hợp lý bởi những nguyên nhân sau:

  1. Hành động cố ý hoặc quá cẩu thả của Người được bảo hiểm hoặc người thừa hành như: Người đại lý, đại diện hoặc thuyền trưởng, sỹ quan và thuyền viên.
  2. Vi phạm lệnh cấm do các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành hoặc hoạt động kinh doanh trái phép.
  3. Vi phạm nghiêm trọng luật giao thông đường thủy như:

– Thuyền viên trong khi làm nhiệm vụ chịu ảnh hưởng của rượu, bia, ma túy hoặc các chất kích thích tương tự khác.

– Tàu thủy nội địa đi vào tuyến, luồng cấm.

– Tàu chở khách, chở hàng quá tải.

– Tàu vận chuyển hàng hóa độc hại, chất nổ hoặc các chất nguy hiểm khác.

– Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

  1. Thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên không có bằng hoặc chứng chỉ theo quy định (trừ khi có thỏa thuận khác bằng văn bản giữa Người được bảo hiểm và PJICO).
  2. Do vỏ, máy móc hoặc trang thiết bị của tàu quá cũ kỹ hay bị hao mòn tự nhiên.
  3.  Tàu bị mắc cạn bởi ảnh hưởng của thủy triều hoặc con nước lên xuống trong lúc đang neo đậu.
  4. Trừ khi có thỏa thuận khác, PJICO không chịu trách nhiệm bồi thường mọi tổn thất hoặc những chi phí phát sinh do:

a- Rủi ro chiến tranh hoặc những rủi ro tương tự chiến tranh.

b- Bị cướp, bị bắt giữ tàu tại bất cứ nơi nào vì bất cứ lý do gì.

c- Tàu được trưng dụng hoặc sử dụng vào mục đích quân sự.

d- Hành động phá hoại hoặc khủng bố có tính chất chính trị.

e- Bất cứ vụ nổ của các loại vũ khí hoặc chất nổ nào.

f- Rủi ro nguyên tử.

5. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

5.1. Yêu cầu bảo hiểm tàu thủy nội địa

Khi yêu cầu bảo hiểm tàu thủy nội địa, người yêu cầu bảo hiểm phải gửi cho PJICO Giấy yêu cầu bảo hiểm. Để xem xét nhận bảo hiểm, PJICO có thể yêu cầu Người yêu cầu bảo hiểm cung cấp các tài liệu sau:

– Giấy chứng nhận đăng ký tàu thủy nội địa.

– Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và các Giấy chứng nhận khả năng hoạt động khác của tàu do cơ quan Đăng kiểm cấp.

– Tài liệu chứng minh giá trị của tàu nội địa.

– Biên bản kiểm tra tàu khi giao nhận tàu hoặc biên bản kiểm tra từng phần của Đăng kiểm, sổ Đăng kiểm.

– Báo cáo tình hình tổn thất của tàu xảy ra trước khi yêu cầu bảo hiểm và Hợp đồng bảo hiểm cũ (nếu có).

5.2. Chấp nhận bảo hiểm tàu thủy nội địa

– Trên cơ sở Giấy yêu cầu bảo hiểm và các thông tin về tàu được bảo hiểm do Người yêu cầu bảo hiểm cung cấp, PJICO sẽ xem xét để nhận bảo hiểm và cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm. Giấy yêu cầu bảo hiểm, Giấy chứng nhận bảo hiểm, các Giấy sửa đổi bổ sung đính kèm và chứng từ thanh toán phí bảo hiểm là các bộ phận cấu thành của Hợp đồng bảo hiểm. Ngày cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm được coi là ngày ký Hợp đồng bảo hiểm.

– Đối với các tàu tham gia bảo hiểm lần đầu tại PJICO, PJICO có quyền yêu cầu được kiểm tra tàu trước khi nhận bảo hiểm.

– Trong thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm, PJICO có quyền yêu cầu được kiểm tra tình trạng chung của tàu. Nếu xét thấy không đảm bảo, PJICO sẽ thông báo chấm dứt hiệu lực bảo hiểm và/hoặc giới hạn phạm vi bảo hiểm cho đến khi tàu được sửa chữa lại phù hợp/hoặc đưa ra khuyến cáo loại trừ tổn thất do khiếm khuyết của tàu gây ra mà chủ tàu chưa khắc phục cho đến khi tàu được sửa chữa lại phù hợp với các quy phạm của Đăng kiểm.

6. THÔNG BÁO SỰ CỐ HÀNG HẢI - GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI BỒI THƯỜNG

Bên A: người được bảo hiểm (chủ tàu thủy nội địa)

Bên B: Công ty bảo hiểm PJICO

6.1. Thông báo sự cố:

Khi tàu được bảo hiểm xảy ra sự cố, bên A phải bằng mọi cách thông báo ngay cho bên B được biết về mọi thông tin liên quan đến sự cố để các bên cùng phối hợp giải quyết. Việc thông báo sự cố chính thức bằng văn bản phải được bên A thực hiện trong vòng 02 (hai) ngày làm việc sau khi xảy ra sự cố.

6.2. Phối hợp xử lý/khắc phục sự cố:

  • Bên A có trách nhiệm thường xuyên cập nhật tiến trình, phương án khắc phục sự cố, đơn giá sửa chữa và các chi phí liên quan đến việc khắc phục sự cố cho bên B và/hoặc người đại diện của bên B được biết (bằng văn bản hoặc email) để cùng phối hợp xử lý khi cần thiết.
  • Trong mọi trường hợp, phương án khắc phục sự cố và/hoặc đơn giá sửa chữa và/hoặc các chi phí liên quan đến việc khắc phục sự cố đều phải được sự đồng ý của bên B.

6.3. Chỉ định giám định và chi phí giám định:

  • Khi tàu được bảo hiểm xảy ra sự cố, bên B có quyền chỉ định đơn vị giám định độc lập tiến hành giám định nguyên nhân và mức độ tổn thất thực tế để làm cơ sở pháp lý cho các bên liên quan giải quyết sau này. Phí giám định sẽ do bên B chi trả.
  • Trong trường hợp bên A không đồng ý với kết quả giám định của đơn vị giám định do bên B chỉ định, thì hai bên sẽ thỏa thuận thống nhất chỉ định một đơn vị giám định độc lập khác để tiến hành giám định sự cố. Khi đó, nếu sự cố thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của bên B theo Hợp đồng bảo hiểm này thì phí giám định sẽ do bên B chi trả. Còn nếu sự cố không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của bên B hoặc có mức độ tổn thất nhỏ hơn mức khấu trừ theo Đơn bảo hiểm, thì phí giám định sẽ do bên A chi trả

6.4. Thu thập và cung cấp hồ sơ khiếu nại bồi thường:

Khi xảy ra sự cố dẫn đến khiếu nại bồi thường, bên A phải thu thập và cung cấp cho bên B các hồ sơ sau:

Hồ sơ thông báo sự cố:

  • Công văn thông báo sự cố của bên A – bản gốc;
  • Kháng nghị hàng hải do thuyền trưởng lập có xác nhận của cơ quan quản lý chức năng nơi tàu xảy ra sự cố hoặc cảng đến đầu tiên nếu sự cố xảy ra khi tàu đang ở ngoài khơi – bản gốc;
  • Báo cáo chi tiết về sự cố của thuyền trưởng/máy trưởng – bản gốc;
  • Bản công bố tổn thất chung do thuyền trưởng/chủ tàu lập (trường hợp xảy ra tổn thất chung) – bản gốc
  • Sơ đồ vị trí xảy ra sự cố (trường hợp tàu bị đâm va, mắc cạn, chìm đắm,…) – bản gốc;
  • Biên bản tai nạn lao động (trường hợp xảy ra sự cố tai nạn thuyền viên) – bản gốc;

Hồ sơ tàu:

  • Giấy chứng nhận đăng ký tàu và Sổ đăng kiểm còn hiệu lực của tàu – bản sao;
  • Danh sách thuyền viên; bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng, sĩ quan/thủy thủ trực ca – bản sao;
  • Giấy phép neo đậu hoặc giấy phép rời cảng/cập cảng – bản sao;
  • Tài liệu kỹ thuật/hướng dẫn sử dụng, chứng chỉ đăng kiểm, hồ sơ bảo dưỡng/sửa chữa/thay thế trước khi xảy ra sự cố (đối với sự cố hư hỏng của các máy móc, trang thiết bị trên tàu).

Hồ sơ khắc phục sự cố:

  • Các bản báo giá, dự toán, hợp đồng, biên bản nghiệm thu, bản quyết toán, thanh lý hợp đồng đối với các chi phí liên quan đến việc khắc phục sự cố (cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa bộ phận thân tàu,…) – bản gốc;
  • Biên bản kiểm tra và chứng chỉ cấp phép của cơ quan Đăng kiểm đối với các hạng mục sửa chữa/thay thế của tàu – bản sao;
  • Hồ sơ tài liệu chứng minh giá trị tàu được bảo hiểm; Hồ sơ tài liệu chứng minh tàu bị tổn thất toàn bộ thực tế hoặc ước tính; Bản tuyên bố từ bỏ tàu của Chủ tàu; Giấy chứng nhận xóa đăng ký tàu (đối với trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ) – bản gốc;
  • Hợp đồng vận chuyển và bộ chứng từ vận chuyển hàng hóa của tàu, sơ đồ xếp hầm hàng, biên bản quyết toán hàng bị hư hỏng, biên bản thỏa thuận trách nhiệm bồi thường với chủ hàng, chứng từ chứng minh bên A đã thanh toán tiền bồi thường cho chủ hàng theo thỏa thuận, giấy bãi nại của chủ hàng (đối với sự cố về hàng hóa chuyên chở trên tàu) – bản gốc;
  • Hồ sơ y tế liên quan đến việc cấp cứu, khám chữa bệnh của thuyền viên, bản giám định tỷ lệ thương tật (đối với sự cố thuyền viên bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động); Biên bản khám nghiệm tử thi, bản kết luận điều tra nguyên nhân tử vong, giấy chứng tử, giấy biên nhận tiền bồi thường và cam kết bãi nại của thân nhân thừa kế hợp pháp của thuyền viên (đối với sự cố thuyền viên bị tử vong) – bản gốc;
  • Các hóa đơn chứng từ hợp lệ đối với các chi phí liên quan đến việc khắc phục sự cố (cứu hộ, cứu nạn, sửa chữa tàu, cấp cứu y tế, thuốc men,….) – bản sao;

Hồ sơ ràng buộc trách nhiệm của Người thứ ba (nếu sự cố liên quan đến Người thứ ba):

  • Biên bản đối tịch đối với trường hợp tàu được bảo hiểm đâm va với phương tiện khác, trong đó ghi rõ diễn biến, vị trí đâm va, sơ bộ tổn thất của mỗi bên, các thông tin liên quan đến phương tiện đâm va (tên tàu, chủ tàu, người bảo hiểm, địa chỉ, điện thoại) – bản gốc;
  • Chứng từ ký quỹ hoặc cam kết bảo lãnh của chủ phương tiện đâm va/người bảo hiểm (tùy từng sự cố) – bản gốc;
  • Bản cam kết đóng góp tổn thất chung của chủ hàng/người bảo hiểm lô hàng chở trên tàu (trường hợp xảy ra tổn thất chung) – bản gốc;

– Bản kết luận điều tra tai nạn hàng hải của Cảng vụ hàng hải/Cảng vụ đường thủy nội địa/Cảnh sát giao thông đường thủy nơi xảy ra sự cố (đối với các sự cố đâm va, chìm đắm);

– Hồ sơ giám định đánh giá nguyên nhân sự cố và mức độ tổn thất của đơn vị giám định độc lập – bản gốc;

Công văn khiếu nại bồi thường của bên Abản gốc.

Đối với các bản sao hồ sơ, chứng từ do bên A cung cấp đều phải đóng dấu sao y bản chính và được người đại diện hợp pháp của bên A ký đóng dấu xác nhận. Bên A chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính pháp lý của mọi hồ sơ, chứng từ cung cấp cho bên B.

Ngoài các hồ sơ trên, tuỳ thuộc từng trường hợp sự cố, bên B có thể yêu cầu bên A cung cấp bổ sung các hồ sơ khác có liên quan để xem xét giải quyết khiếu nại bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Hợp đồng này theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

6.5. Tạm ứng bồi thường:

Nếu tàu được bảo hiểm xảy ra tổn thất lớn thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm của Hợp đồng này, trong trường hợp xét thấy cần thiết bên B có thể giải quyết tạm ứng bồi thường theo đề nghị của bên A. Số tiền tạm ứng tối đa tương đương 50% tổng tổn thất ước tính thực tế hợp lý thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo đánh giá của đơn vị giám định.

6.6. Giải quyết bồi thường:

  • Sau 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khiếu nại bồi thường của bên A, nếu bên B không có yêu cầu gì thêm thì hồ sơ khiếu nại được coi là đầy đủ và hợp lệ.
  • Trong vòng 30 (ba mươi) ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ do bên A cung cấp và Báo cáo giám định của đơn vị giám định độc lập (nếu có), bên B có trách nhiệm giải quyết bồi thường cho bên A, trừ khi sự cố còn đang phải tranh chấp với các bên thứ ba có liên quan hoặc có những yếu tố pháp lý phức tạp.
  • Sau 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày nhận được thông báo giải quyết khiếu nại bồi thường của bên B mà bên A không có ý kiến gì thì hồ sơ khiếu nại bồi thường coi như kết thúc.
  • Thanh toán tiền bồi thường: Trường hợp sự cố xảy ra trong kỳ thanh toán phí bảo hiểm nào, và thực tế bên A có sử dụng ngoại tệ để thanh toán các chi phí phát sinh liên quan đến việc khắc phục sự cố, thì khi giải quyết bồi thường bên B sẽ thanh toán cho bên A bằng đồng Việt Nam được quy đổi theo tỷ giá mua chuyển khoản do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam công bố tại thời điểm bên A thanh toán kỳ phí bảo hiểm đó.

7. LIÊN HỆ MUA BẢO HIỂM TÀU THỦY NỘI ĐỊA

8. ĐỊA CHỈ CÔNG TY BẢO HIỂM PJICO

BLOG BẢO HIỂM TÀU THỦY NỘI ĐỊA

quy tắc bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu - vận chuyển nội địa - quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển nội địa